Nhiều bệnh nhân đã từng đến khám bệnh, điều trị tại Bệnh viện Quân y 110 (Quân khu 1) vẫn thường trân trọng gọi Đại tá - Tiến sĩ - Bác sĩ Diêm Đăng Thanh, Giám đốc Bệnh viện là bác sĩ 2 “tê”(vừa có tâm, vừa có tài). Họ còn tặng cho anh danh hiệu “Thầy thuốc của người nghèo”...
"Khắc tinh" của những ca bệnh khó
Năm 1991, tốt nghiệp Học viện Quân y, chàng bác sĩ trẻ Diêm Đăng Thanh về nhận nhiệm vụ tại Khoa Nội Tiêu hóa - Bệnh viện Quân y 110. Mang trong mình bầu nhiệt huyết tuổi trẻ, lại gặp môi trường công tác thuận lợi nên anh nhanh chóng hòa nhập và sớm chứng tỏ năng lực chuyên môn vững vàng. Năm 1995, anh vượt qua nhiều "đối thủ" nặng ký của 17 bệnh viện trong quân đội để giành tấm vé duy nhất đi thực tập sinh tại Pháp. Gần 2 năm học tập, nghiên cứu tại đây anh đã được trang bị thêm nhiều kiến thức bổ ích. Năm 2001, anh được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm và năm 2006, làm Chủ nhiệm Khoa Nội Tiêu hóa.
BS. Diêm Đăng Thanh trao tặng quà cho nhân dân huyện Thông Nông, Cao Bằng (12/2012). |
So với các chuyên khoa khác, đây là khoa có mặt bệnh phức tạp, thường xuyên đông bệnh nhân, phần lớn vào viện khi bệnh đã trở nặng, nhất là những người nông dân, lao động nghèo; trong khi đội ngũ y, bác sĩ của Khoa rất mỏng, cơ sở vật chất, trang bị thiếu thốn, lạc hậu... Điều anh trăn trở nhất là làm sao xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên vừa có trình độ chuyên môn giỏi, vừa có quan điểm, thái độ phục vụ đúng. Để nâng cao chất lượng điều trị, một mặt, anh đề nghị Ban Giám đốc cho lựa chọn những bác sĩ, kỹ thuật viên giỏi gửi đi đào tạo tại các trung tâm y khoa lớn. Mặt khác, thường xuyên tổ chức bồi dưỡng tại chỗ theo phương châm "Mới kèm cũ, giỏi kèm yếu". Hàng tuần và sau những ca bệnh phức tạp, anh đều tổ chức cho toàn Khoa trao đổi, rút kinh nghiệm... Nhờ đó, cán bộ, nhân viên của Khoa ngày càng trưởng thành. Mỗi năm, Khoa cấp cứu, điều trị khỏi cho hàng trăm lượt bệnh nhân, trong đó có nhiều trường hợp bệnh rất nặng, như: xuất huyết tiêu hóa; hôn mê gan; dị vật đường tiêu hóa...
Là lãnh đạo Khoa, BS. Thanh luôn miệng nói, tay làm. Những ca bệnh phức tạp, anh đều trực tiếp tham gia, coi đây là biện pháp để rèn luyện, bồi dưỡng đội ngũ. Các bác sĩ ở đây coi anh là "khắc tinh" của những ca bệnh khó. Điển hình như trường hợp bệnh nhân Nguyễn Khắc Cường (quê ở huyện Tiên Du - Bắc Ninh), từng bị xuất huyết tiêu hóa tới 8 lần do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản đã được anh điều trị thành công. Hay như trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thị Hoa, quê ở Bắc Ninh, do nuốt vào bụng tới 139 tờ nhân dân tệ trong quá trình lưu lạc tại Trung Quốc nên khi về sinh sống tại quê hương, bệnh nhân bị bít tắc dạ dày, gây đau đớn và khó khăn trong ăn uống. Với ca bệnh này, anh và kíp trực phải mất tới hơn 2 giờ nội soi mới lấy ra được toàn bộ số tiền đó. Nhiều người còn nhớ mãi buổi chiều ngày 17/2/2011, bệnh viện tiếp nhận ca cấp cứu bệnh nhân Lê Văn D, 22 tuổi, quê thị trấn Nếnh (Việt Yên - Bắc Giang), bị một đối tượng dùng dao chọc tiết lợn đâm thẳng vào ổ bụng, lòi ruột và nội tạng ra ngoài. Lúc ấy, bệnh nhân trong tình trạng rất nguy kịch do mất máu nhiều, da nhợt nhạt, ý thức lơ mơ, huyết áp tụt (có lúc huyết áp bằng 0). Khi phẫu thuật, trong ổ bụng có rất nhiều máu; gan bị một vết rách lớn; túi mật bị đứt đôi... Do vết rách quá rộng, không thể khâu bằng kim thông thường, anh đã chỉ đạo kíp mổ dùng kim móc len khâu cầm máu, sau đó tiến hành cắt túi mật. Đây là một ca phẫu thuật khó, phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật cao, chính xác, tỉ mỉ, đồng thời cần sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ của nhiều thành phần (gây mê, hồi sức, xét nghiệm, truyền máu, phẫu thuật). Sau hơn 3 giờ, kíp mổ đã thành công, giành lại sự sống cho bệnh nhân khi cái chết đã cận kề.
Trường hợp của binh nhì Nguyễn Đoan Hùng, chiến sĩ của Trung đoàn 141, Sư đoàn 3 mới thật đặc biệt. Đầu giờ chiều 15/9/2011, sau khi cạo râu xong, Hùng bẻ đôi lưỡi dao làm và để 2 nửa vào trong bát nước, định bụng sẽ đổ vào thùng rác, nhưng rồi mải việc lại quên. Đi huấn luyện về, do sơ ý, Hùng đã uống hết bát nước đó mà không biết mình đã uống trọn 2 mảnh dao lam vào bụng. Khoảng 20 phút sau, sực nhớ ra, Hùng vội báo cáo chỉ huy đơn vị và được chuyển gấp lên Bệnh xá Sư đoàn. Tại đây, qua chụp Xquang, phát hiện 2 mảnh dao lam trong dạ dày bệnh nhân, Hùng được chuyển ngay lên Bệnh viện 110 cấp cứu. Hội chẩn, hầu hết các bác sĩ đều chỉ định cần phẫu thuật ngay vì sợ nếu dùng phương pháp mổ nội soi, mảnh dao lam sẽ cắt đứt các tổ chức trên đường kéo ra, rất nguy hiểm. Nhưng nếu để lâu, mảnh dao lam sẽ tụt sâu xuống ruột lại càng nguy hiểm hơn vì rất dễ gây ra các biến chứng như chảy máu, thủng ruột... Trước tình huống "có một không hai" này, bằng kinh nghiệm thực tiễn, BS. Thanh quyết định cho mổ nội soi. Ca phẫu thuật do đích thân anh làm kíp trưởng, thực hiện nội soi dạ dày bằng ống mềm và các dụng cụ chuyên dụng khác để kẹp dị vật đưa ra ngoài. Ca nội soi đã thành công sau hơn 1 giờ căng thẳng, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân, không gây tổn thương đến dạ dày, vùng thực quản và họng. Binh nhất Hùng đã xuất viện về đơn vị công tác chỉ sau vài ngày nằm viện theo dõi.
Cùng với những kỹ thuật nội soi thuộc "sở trường", BS. Thanh còn mạnh dạn cho áp dụng, thử nghiệm nhiều phương pháp điều trị mới, như: sinh thiết gan, chọc hút nang gan và tạo dính... Đặc biệt, năm 2006, anh đã ứng dụng thành công kỹ thuật cắt niêm mạc điều trị ung thư dạ dày qua nội soi, mở ra cơ hội sống cho những bệnh nhân phát hiện ung thư sớm. Bệnh nhân đầu tiên điều trị theo phương pháp này là bà Ngô Thị Liễu, 54 tuổi, ở xã Bích Sơn (Việt Yên), được chẩn đoán tổn thương quá phát tiền môn vị, làm giải phẫu xác định ung thư dạ dày giai đoạn sớm. Đây cũng là trường hợp ung thư dạ dày đầu tiên tại miền Bắc được điều trị bằng phương pháp cắt niêm mạc dạ dày bằng nội soi. Kể về phương pháp này, anh cho biết: Cắt niêm mạc điều trị ung thư sớm được chỉ định điều trị ung thư ở thực quản, dạ dày và đại tràng trong trường hợp phát hiện sớm. Thời gian thực hiện chỉ 15 - 30 phút, có thể loại bỏ ung thư, tỷ lệ tai biến và biến chứng thấp; sau điều trị bệnh nhân không phải nằm viện và truyền hóa chất định kỳ. Chi phí lại rất thấp, chỉ vài trăm nghìn đồng. Sau phẫu thuật, bệnh nhân Liễu hoàn toàn khỏe mạnh và đã xuất viện ngay. Đến nay, anh đã dùng phương pháp trên điều trị thành công cho hơn chục trường hợp tại Bệnh viện...
BS. Diêm Đăng Thanh tiến hành nội soi đại tràng cho bệnh nhân (9/2003). |
Không ngừng say mê nghiên cứu khoa học
Công việc quản lý và chuyên môn chiếm gần hết thời gian nhưng với BS. Diêm Đăng Thanh, việc nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ không thể thiếu của người thầy thuốc. Anh luôn đau đáu trăn trở, tìm tòi, áp dụng các kỹ thuật tiên tiến để phục vụ người bệnh tốt nhất có thể. 10 năm gần đây, anh đã có 10 đề tài khoa học, 2 sáng kiến cải tiến kỹ thuật được ứng dụng rộng rãi trong Bệnh viện. Trong số đó, một số đề tài được chọn báo cáo tại các hội nghị tiêu hóa toàn quân, toàn quốc và châu Á - Thái Bình Dương... Tháng 4/2007, anh được mời báo cáo tại Hội nghị Tiêu hóa Quốc tế, tổ chức tại Pháp. Năm 2008, anh có 3 sáng kiến, trong đó có 1 sáng kiến đoạt giải Ba cấp Toàn quân. Ngoài ra, anh còn có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả điều trị, giảm chi phí cho bệnh nhân. Tiêu biểu như: Que đốt lưỡng cực cắt polyp trực tràng (đạt giải Nhất Hội thi sáng kiến cải tiến kỹ thuật Quân khu 1 năm 2003); mô hình gối ngực hướng dẫn một số kỹ thuật chẩn đoán, điều trị một số bệnh vùng hậu môn trực tràng (đạt giải Nhì cấp Quân khu, giải Ba cấp Toàn quân); mô hình đa năng hướng dẫn nội soi thực quản dạ dày tá tràng và đại tràng hậu môn; mô hình canuyn đục lỗ cải tiến hướng dẫn thăm khám vùng hậu môn trực tràng; thòng lọng đốt lưỡng cực cắt đốt qua nội soi trực tràng... Gần đây, anh đã cho triển khai một số kỹ thuật mới tại Bệnh viện, như: kỹ thuật tiêm cầm máu điều trị xuất huyết tiêu hóa; kỹ thuật bắn thắt vòng cao su điều trị giãn vỡ tĩnh mạch thực quản, cắt polyp trực tràng, đại tràng, dạ dày; lấy dị vật qua nội soi; kỹ thuật bắn thắt trĩ bằng vòng cao su... Đây là những kỹ thuật khó, đòi hỏi phải có niềm đam mê, nhiệt huyết, tính kiên trì và sáng tạo mới có thể thực hiện thành công trong điều kiện trang thiết bị của Bệnh viện còn rất thiếu thốn...
Trao đổi với các đồng chí lãnh đạo Bệnh viện, các anh cho tôi biết: Suốt những năm tháng dài gắn bó với Bệnh viện 110, dù trên bất kỳ cương vị công tác nào, từ bác sĩ điều trị, Phó Chủ nhiệm, Chủ nhiệm Khoa Nội Tiêu hóa, rồi Phó Giám đốc, Giám đốc Bệnh viện, TS.BS. Thanh luôn không ngừng phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ. Để đạt được kết quả hôm nay chính là xuất phát từ sự thấu hiểu và đồng cảm của anh với nỗi đau của người bệnh. Chính họ đã thôi thúc anh tìm tòi, sáng tạo ra những phương pháp điều trị mới, hiệu quả, nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh ngày một tốt hơn. Trong hành trình đó, anh gặp không ít khó khăn, thử thách. Ví như, để phát triển kỹ thuật bắn thắt trĩ theo phương pháp mới, lúc đầu, anh chưa nhận được sự đồng thuận ngay của lãnh đạo và đồng nghiệp. Nhiều người còn bóng gió, rằng anh thích "chơi trội", muốn thể hiện... Ngay cả những người thân yêu nhất của anh cũng lo lắng, sợ anh thất bại. Để thuyết phục Ban Giám đốc và hội đồng khoa học, anh cùng các đồng nghiệp trong Khoa đã xây dựng hoàn chỉnh Đề án kỹ thuật, đề xuất cho thực hiện ở một số nhân viên trước, sau đó đan xen tiến hành ở bệnh nhân. Kết quả thành công đã thuyết phục Ban Giám đốc đồng ý cho thực hiện đại trà trong Bệnh viện. Hay như khi áp dụng phương pháp cắt polyp đại trực tràng, dạ dày bằng que đốt lưỡng cực, lúc đầu, có bệnh nhân bị biến chứng, chảy máu, khiến anh không khỏi lo lắng. Song vì người bệnh, vì yêu cầu phát triển kỹ thuật, anh vẫn quyết tâm thực hiện... Đến nay, các kỹ thuật nói trên đã ngày càng hoàn thiện, được triển khai thực hiện phổ biến ở Bệnh viện, bảo đảm an toàn tuyệt đối và đem lại niềm hạnh phúc cho nhiều bệnh nhân. Điều đáng chú ý là BS. Thanh luôn yêu cầu cán bộ, nhân viên Bệnh viện phải quan tâm tới những người nghèo, coi tính mạng, sức khỏe người bệnh là trên hết. Trong mọi hoàn cảnh, dù họ nhập viện mà chưa đóng viện phí, Bệnh viện vẫn không được phép từ chối hay lơ là việc cứu chữa. Những bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, anh còn vận động cán bộ, nhân viên hỗ trợ một phần hay toàn bộ chi phí chữa trị. Mới đây, quỹ "Tấm lòng vàng" cũng được Bệnh viện thành lập nhằm hỗ trợ những bệnh nhân nghèo có cơ hội chữa bệnh...
Không chỉ tạo được sự tin yêu, mến phục của người bệnh và đồng nghiệp, sau hơn 2 năm đảm đương chức trách Giám đốc, chất lượng khám bệnh, điều trị của Bệnh viện 110 đã được nâng lên rõ rệt. Từ chỗ chỉ đủ sức thực hiện khoảng 40% ca phẫu thuật những năm trước (chủ yếu là các ca nhỏ, thông thường), đến nay, các bác sĩ của Bệnh viện đã có thể đảm nhiệm tới 95% ca mổ ở tất cả các loại phẫu thuật. Một số mũi nhọn của Bệnh viện đã được các bệnh viện tuyến Trung ương và Hà Nội đánh giá cao, như tán sỏi bàng quang niệu quản ngược dòng, cắt u xơ tiền liệt tuyến, thay chỏm xương đùi; cắt túi mật, buồng trứng bằng nội soi...
Dẫn tôi đi tham quan một vòng khuôn viên, BS. Diêm Đăng Thanh say mê vạch ra hướng đi của Bệnh viện thời gian tới. Đó là phải tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, từng bước xây dựng, phát triển Bệnh viện theo mô hình Bệnh viện - Công viên, Bệnh viện - Khách sạn, nơi khám, điều trị, điều dưỡng uy tín bậc nhất khu vực... Muốn vậy, còn rất nhiều việc phải làm mà trước mắt là phải tăng cường hơn nữa kỷ cương, kỷ luật Bệnh viện. Cho tôi xem Quyết định số 338 do Bệnh viện ban hành gần 2 năm trước, trong đó quy định 58 điều xử phạt vi phạm hành chính trong Bệnh viện, anh lý giải: Y đức người thầy thuốc không thể trông vào hô hào, động viên, khích lệ chung chung mà phải có sự định hướng, kiểm soát chặt chẽ. Trước hết, phải tác động làm thay đổi tư duy, thái độ tiếp xúc với người bệnh của người thầy thuốc theo hướng ân cần, cởi mở, thân thiện, chu đáo. Phải tạo ra sự tự giác rèn luyện y đức cho các thầy thuốc trong mọi hoàn cảnh. Anh muốn người thầy thuốc của Bệnh viện phải luôn coi việc cứu được một người, giảm gánh nặng đau đớn cho một người bệnh là niềm hạnh phúc lớn lao nhất, đúng như lời dạy của Bác Hồ: Người thầy thuốc giỏi đồng thời cũng phải như là người mẹ hiền.
Được biết, từ khi có Quyết định này, tỷ lệ vi phạm của cán bộ, nhân viên giảm đáng kể; tình trạng chậm giờ, sai tác phong, hay nạn vòi vĩnh, gây khó dễ cho bệnh nhân hầu như không còn xảy ra...
Ghi nhận sự đóng góp và nỗ lực phấn đấu không ngừng đó của BS. Diêm Đăng Thanh, tháng 8/2011, anh được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện Quân y 110. Năm 2012, Nhà nước đã trao tặng anh danh hiệu Thầy thuốc ưu tú. Mới đây, anh vinh dự đại diện cho lực lượng vũ trang Quân khu 1 tham dự “Hội nghị tôn vinh các điển hình tiên tiến học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” cấp toàn quân. Với trình độ chuyên môn vững vàng, hết lòng vì người bệnh, tin rằng, TS.BS. Diêm Đăng Thanh sẽ còn có nhiều cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bộ đội và nhân dân.
Nhật Minh